Trong khi chỉ tiêu xét tuyển đầu vào bằng kết quả thi tốt nghiệp giảm mạnh, các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy nổi lên như một giải pháp được nhiều trường đại học sử dụng.
Nguyên nhân khiến kết quả thi tốt nghiệp ngày càng ít được coi trọng trong xét tuyển đại học xuất phát từ định hướng chuyển kỳ thi THPT quốc gia thành thi tốt nghiệp THPT từ năm 2020. Kỳ thi không còn mang tính chất “hai trong một” mà chủ yếu để xét tốt nghiệp trung học. Đề thi dễ hơn, do đó thiếu khả năng phân hóa thí sinh, khiến các đại học – đặc biệt là những trường, ngành top đầu, cạnh tranh cao – khó tuyển thí sinh phù hợp.
Các trường vì thế phải chủ động tạo ra phương thức tuyển sinh mới, dựa trên một số kết quả có sẵn như: thi tốt nghiệp THPT, học bạ, điểm trung bình các môn học, kết hợp tiêu chí phụ. Sự đa dạng phương thức này cung cấp thêm “cổng” vào đại học cho thí sinh tuy nhiên vẫn tồn tại bất cập do sự khác nhau trong cách đánh giá, cho điểm giữa các trường, địa phương. Trong bối cảnh đó, các kỳ thi đánh giá năng lực được nhiều trường coi trọng và dành nhiều chỉ tiêu.
Theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến năm 2022, ở phía Bắc, hơn 50 trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HAS), 15 trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở phía Nam, hơn 80 trường dùng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. Như vậy, kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực này tác động tới đầu vào của gần 63% trong tổng số khoảng 240 trường đại học, học viện trên cả nước.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP HCM), cho biết, đại học này mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực năm nay đến 17 tỉnh, thành.
Sau bốn năm tổ chức, đây kỳ thi có quy mô lớn nhất. Trong lần đầu triển khai năm 2018, Đại học Quốc gia TP HCM chỉ tổ chức tại ba địa phương với hơn 5.000 thí sinh. Số lượng điểm thi và thí sinh tăng dần qua các năm. Năm 2021, với một đợt thi hồi tháng ba, hơn 70.000 thí sinh ở bảy địa phương tham gia.
Năm nay, kỳ thi diễn ra hai đợt – tháng 3 và tháng 5 – với số thí sinh ước tính khoảng 100.000. Các trường thành viên trong khối đại học này tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Đại học Khoa học Tự nhiên dành 70% chỉ tiêu, trong khi Đại học Kinh tế – Luật là 60%, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn 50%. Xu hướng này cũng diễn ra ở các trường ngoài Đại học Quốc gia TP HCM trong mùa tuyển sinh 2022.
Đại học Nha Trang là một trong những trường có lộ trình tăng chỉ tiêu cho xét điểm thi đánh giá năng lực từ Đại học Quốc gia TP HCM. Trong 5 năm tới, trường có thể tuyển 60% chỉ tiêu bằng phương thức này. TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, lý giải, kỳ thi đánh giá năng lực tìm được thí sinh phù hợp ở bậc đại học. Những kỹ năng cần ở bậc học này như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, khả năng phân tích số liệu và giải quyết tình huống được kỳ thi chọn lọc tương đối chính xác.
Từ 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi HSA với nhiều mục đích như đánh giá năng lực học sinh THPT để phân loại sau tốt nghiệp; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông, phục vụ tuyển sinh và kết quả học tập bậc đại học… Trường cũng hướng tới phổ biến kỳ thi này đến nhiều người.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá tư duy của trường được thiết kế cho mục đích tuyển sinh, giúp tìm kiếm thí sinh có năng lực phù hợp với ngành đào tạo. Kỳ thi của Bách khoa cũng mở rộng quy mô, số trường đăng ký sử dụng qua các năm. “Nhà trường sẽ phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, từ đó tăng số lượng trường tham gia sử dụng. Khâu tổ chức cũng theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện cho thí sinh, tiếp cận nhiều em hơn”, ông Điền cho biết.
Trước câu hỏi, liệu có kỳ vọng đưa đánh giá năng lực, tư duy thành kỳ thi có vai trò như SAT hay ACT của Mỹ, ba nhà tổ chức đưa ra quan điểm khác nhau.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Nếu thí sinh muốn vào đại học Mỹ có thể lựa chọn bài thi SAT hoặc ACT thì ở Việt Nam, chúng tôi mong muốn thí sinh cũng dần nhắc tới HSA khi đăng ký xét tuyển vào các trường”.
Với tham vọng đó, ông Thảo khẳng định, HSA là kỳ thi chuẩn hoá, dù tổ chức ở bất cứ nơi nào đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, ổn định. Cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng đề được cân bằng giữa các đợt thi và địa điểm tổ chức – tương tự các kỳ thi chuẩn hoá trên thế giới như SAT của Mỹ.
SAT (ra đời năm 1926) và ACT (từ 1959) là những bài thi chuẩn hoá được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học ở Mỹ. Bài SAT gồm các phần Toán, Đọc hiểu, Viết và Ngôn ngữ, thang điểm từ 400 đến 1.600. Trong khi đó, ACT kiểm tra các phần Tiếng Anh, Toán, Đọc, Khoa học và một phần tuỳ chọn là Viết, thang điểm từ 1 đến 36.
Mục đích của cả hai bài thi là đánh giá mức độ sẵn sàng vào đại học của học sinh trung học và cung cấp cho các trường dữ liệu điểm chung để có thể sử dụng làm tiêu chí so sánh ứng viên. Hiện, hầu hết đại học Mỹ yêu cầu điểm SAT hoặc ACT trong hồ sơ của thí sinh, bên cạnh điểm GPA, hoạt động ngoại khoá, thư giới thiệu, bài luận, phỏng vấn…
Tuy định hướng kỳ thi đánh giá tư duy thành kênh tuyển sinh chủ chốt, PGS Điền của Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện chưa phải lúc bàn tới việc sánh ngang với bài thi SAT. Các trung tâm khảo thí độc lập như ETS của Mỹ phải mất hàng chục năm, đầu tư hàng triệu USD mới hình thành được các kỳ thi chuẩn hoá quốc tế. Việc xây dựng bộ đề thi rất phức tạp, cần chiến lược dài hơi.
Cùng quan điểm trên, đại diện Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, việc mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực không đồng nghĩa dùng thang đo này thay thế hoàn toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT trong việc tuyển sinh. Các trường vẫn phải dùng đa dạng phương thức tuyển sinh.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định, Việt Nam cần xây dựng một cuộc thi chuẩn hóa để xét tuyển đại học, nhưng do một đơn vị độc lập tổ chức.
Ông Phương của Đại học Nha Trang cho rằng, trong tương lai gần, việc tuyển sinh không thể phụ thuộc nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi kỳ thi này phù hợp hơn cho xét tốt nghiệp. Việt Nam cần có một kỳ thi theo mô hình SAT hoặc ACT để các trường sử dụng chung.
Theo đó, để có được kỳ thi cấp quốc gia, cần có trung tâm khảo thí độc lập. Trung tâm này cùng với “vệ tinh” là các trường đại học sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực rộng khắp khu vực, ít nhất hai lần trong năm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cùng quan điểm về một trung tâm khảo thí cấp quốc gia độc lập, không trực thuộc trường nào, tổ chức một kỳ dạng “SAT”.
Ông Sơn đề xuất thời hạn giá trị điểm thi đánh giá năng lực là hai năm gần nhất với đợt xét tuyển, khác với hiện nay chỉ là một năm. Từ quy định này, học sinh lớp 11 cũng có thể tham gia thi nếu tự tin đủ kiến thức, năng lực. Việc này giúp thí sinh chủ động bố trí thời gian học tập, thi cử, tránh dồn áp lực lên lớp 12.
Mạnh Tùng – Dương Tâm